Phương pháp luyện chữ thư pháp

Phương pháp luyện chữ thư pháp
Thanh Phong thủ bút


Học thư pháp nhiều người nghĩ rằng "mình tự học cũng được", "mình tự tạo thư pháp theo ý muốn của mình", nhưng thực ra điều này lại rất khó khăn, nếu mỗi người viết thư pháp lại có một phong cách riêng thì không biết bao nhiêu phong cách mà có thể điểm cho hết.

Thực chất học thư pháp là phải tìm đòi những kinh nghiệm, lý luận đã được đúc tỉa từ lâu năm, cộng lại và thực nghiệm trong quá trình áp dụng và thực hành thì mới có thể thành công.

Cho dù bạn mới bắt đầu học thư pháp ở thời điểm nào đi chăng nữa thì việc quan tâm đầu tiên vẫn là chú trọng vào luyện tập bút pháp căn bản. Sau khi hoàn thành song phần bút pháp thông thường có 03 cách luyện chữ chính yếu

Thứ nhất là vay chữ. 

Tức là lấy một cách chữ của một thư pháp gia và tập theo họ, cách này khá đơn giản và phổ biến. Tuy nhiên khi chọn chữ để tập theo thì phải quan sát và phân tích kết cấu của con chữ, cách liên kết giữa các chữ, qua đó mà có thể luyện thêm kỹ năng phân tích. Việc chọn chữ của một nhà thư pháp phải chú ý nắm bắt được dụng ý của tác giả và tạo ra được cái thần mà con chữ mình đang học theo.

Thứ hai là chuyển chữ

Trong quá trình luyện viết thư pháp, quý độc giả có thể sử dụng phương pháp chuyển chữ. Đó là việc các bạn vay chữ của các nhà thư pháp khác nhau rồi đúc kết thành một lối chữ của riêng mình, tạo ra cho riêng mình một phong cách đặc thù mà không trùng lặp. Cái khó là làm sao kết hợp cho thật uyển chuyển giữa các phong cách khác nhau.

Thứ ba là độc lập

Đây là cách mà các bạn tự tạo ngay từ đầu cho mình một phong cách riêng biệt. Nếu như các bạn có tiềm năng thì cách luyện này sẽ rất tốt nhưng cũng có thể khiến các bạn đi sai đường và ngộ nhận.

Trình tự luyện tập thư pháp khi mới bắt đầu nên tập phần bút pháp, tức là phương pháp điều khiển ngọn bút cho thuần thục, sau đó thì tập các nét căn bản, rồi tập từng con chữ sau đó mới ráp chữ thành các từ, các từ thành các câu. Tập đại tự trước rồi mới tập câu văn.

Phương pháp luyện chữ thư pháp

Cách cầm bút trong khi luyện chữ thư pháp

Cần phải cầm bút thắng, nhiều người cho rằng chỉ cần cầm sao cho thật thoải mái nhưng thực tế thì nếu cầm theo những cách khác như cầm bút bi viết thông thường sẽ khó có thể vận bút một cách linh hoạt. Cầm bút sao cho bút vuông góc với mặt giấy, khi viết các ngón tay và cổ tay phải thoải mái, vai ngang lưng thẳng, giấy song song với cạnh bàn.

Cách cầm bút đơn giản nhất là giữ sao cho các ngón tay nằm ở một bên thân bút và ngón cái nằm ở phía ngược lại.

Cách cầm bút thông dụng này được gọi là ngũ chỉ chấp bút

ngũ chỉ chấp bút

Giữ thân bút bằng 3 ngón tay chính, ngón cái ngón trỏ và ngón giữa, phần móng tay của ngón áp út và ngón út tựa nhẹ vào thân bút.

Khi di chuyển bút trên mặt giấy cần phải thật thoải mái, các ngón phải giữ bút chắc chắn, lòng bàn tay phải lỏng, cổ tay thẳng và thăng bằng. 

Khi viết thư pháp mà ta nhấc tay lên cao không chạm vào giấy thì gọi là không bút và ngược lại gọi là tỳ bút.

Khi viết chữ kích thước nhỏ có thể cầm bút ở gần đầu, kết hợp với việc tỳ hoặc gối tay lên vật nào đó để giữ thăng bằng. Khi viết những bức thư pháp nhanh, hoặc sử dụng biến thể thì có thể cầm bút ở trên cao cho linh hoạt. 

Nói chung là khi chúng ta cầm bút thì tùy vào thể chữ mà ta sẽ chọn tốc độ thích hợp và cách cầm bút sao cho thật linh hoạt và đạt hiểu quả cao.

Đôi lời khuyên giành cho bạn

Chữ Học thư pháp
Tác phẩm chữ Học 

Có rất nhiều con đường để bạn đến với thư pháp, đó là những cái "Duyên" mà đối với chúng ta, thật khó để lý giải cho tường tận, tuy nhiên, để nói về cái duyên ấy, mình cũng chuẩn bị sẵn một số lời khuyên giành cho các bạn, những người mới bắt đầu luyện thư pháp. Những dòng dưới đây, mình đúc rút ra từ những chia sẻ của các anh chị đi trước, mình thấy khá đúng, và viết ra đây để mong các bạn có thể hiểu và nắm được những ý chính và áp dụng nó trong quá trình luyện tập thêm hiệu quả.

1. Điều đầu tiên, phải có niềm đam mê

Đối với bất cứ một bộ môn nghệ thuật hay công việc nào cũng vậy, cho dù mình có chia sẻ với các bạn thật nhiều, thật nhiều những kiến thức về bút pháp hoặc những phương pháp để luyện tập, nhưng nếu như các bạn không có niềm đam mê, không đủ nhiệt huyết, không đủ sự yêu thích đối với nó thì rất khó mà thành công được. Luyện thư pháp là một trong những môn nghệ thuật cần rất nhiều sự nhẫn nại, chăm chỉ, cần cù. Có những lúc mình chỉ tập một nét, và tập đi tập lại trong vòng vài ngày, vài tuần, thậm chí là vài tháng, hoặc vài năm (như nét Tàng Phong) chắc chắn đòi hỏi ở các bạn nhiều hơn là sự yêu thích ban đầu. Chính vì thế, đối với những bạn mới bắt đầu luyện thư pháp, mình hy vọng các bạn xác định được mục tiêu và xây dựng được sự đam mê ngay từ lúc mới biết đến thư pháp là gì.

2. Đừng quá nôn nóng

Như mình đã nói ở trên, đối với những người mới bắt đầu tập luyện thư pháp thì trước hết sẽ phải làm quen với những bộ nét căn bản, những bộ nét này có thể sẽ mất rất nhiều thời gian để tập luyện. Nhiều bạn muốn nhảy cóc và muốn ngay lập tức chuyển sang những chủ đề hay ho hơn như tập các ký tự, tập đại tự hoặc tập ráp chữ càng nhanh càng tốt, và bắt đầu tìm cách ăn cắp công đoạn. Điều này là việc hết sức bình thường, đến ngay cả bản thân mình đôi khi cũng có suy nghĩ như vậy, tuy nhiên dưới sự dìu dắt tận tình của thầy Nguyễn Văn Khá mà mình bỏ được cái tật ấy. Việc nôn nóng nhảy cóc, ăn cắp công đoạn sẽ rất dễ khiến cho các bạn gặp khó khăn về lâu về dài, có thể gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng khi mà bạn đã quen tay với những lỗi sai không thể bỏ. Chính vì thế hãy chú ý tập luyện thật cẩn thận và bình tĩnh luyện tập thật tốt bộ bút pháp căn bản ban đầu trước khi chuyển sang các chủ đề khác nhé.

3. Chủ động liên hệ với những người có kinh nghiệm

Đó là phương pháp để mình tiến bộ nhanh hơn đấy!
Rất nhiều bạn hiện nay luyện tập thư pháp trên mạng, và chỉ biết đến những kiến thức mà các anh chị đi trước để lại mà không chịu giao lưu, học hỏi và không chịu tiếp thu những ý kiến đóng góp từ các thành viên khác. Điều này không những khiến các bạn bị cô lập ra ngoài một cộng đồng những người hay chữ, giảm khả năng học hỏi, tiếp thu được những kinh nghiệm quý báu mà còn khiến các bạn trở thành những con rối chỉ biết làm theo những gì người ta đã hướng dẫn sẵn và trở thành một "phiên bản" không hơn không kém. Mặc dù mình biết rằng thư pháp Việt cần phải học theo bài bản, nhưng sau này khi đã đạt đến một trình độ nhất định thì chúng ta vẫn cần phải tìm ra được một con đường đi cho riêng mình. Chính vì thế, hãy chủ động đăng các bài viết, các video mà bạn đang luyện tập lên các nhóm thư pháp để mọi người giúp bạn chỉ ra những lỗi sai, chỗ nào ổn, chỗ nào cần phải chỉnh sửa rồi dựa trên quan điểm của cá nhân mà thay đổi cho phù hợp.

Mình rất hy vọng rằng những gì mình chia sẻ trên đây sẽ giúp ích phần nào cho các bạn trong quá trình luyện chữ. Phương pháp chỉ là những thứ có sẵn, những cái cứng nhắc và ai cũng có thể biết và làm được, điều quan trọng nhất vẫn là ngọn lửa đang cháy trong bạn có đủ lớn để theo đuổi bộ môn nghệ thuật này hay không mà thôi.



Nguồn: Học thư pháp cùng Đăng Học