Thư thể trong thư pháp việt

Thư thể trong thư pháp việt
Một tác phẩm họa hổ
Có nhiều người không am tường về thư pháp, nên khi xem các tác phẩm thường có những lời khen chê vô tội vạ, như "Viết gì ngoằn ngoèo mà xấu vậy?". Họ chỉ thích các tác phẩm dễ đọc, cho là viết càng dễ đọc thì mới là đẹp, nhưng thực chất đó chỉ là những người xem thư pháp với nhu cầu nhận thông tin là chính, chứ chưa thực sự quan tâm đến tính nghệ thuật trong một bức thư pháp. Lại có những người khi xem các tác phẩm thì lại cho rằng phải ngoằn ngoèo khó đọc mới gọi là thư pháp, quan điểm đó cũng chưa hẳn là đúng. Thư pháp cũng giống như tất cả các thể loại nghệ thuật khác, đều có những phong cách và thể loại khác nhau để phục vụ cho những đối tượng khác nhau, ví dụ như trong âm nhạc có những dòng nhạc như trữ tình quê hương, có những dòng nhạc mang hơi hướng trẻ trung, sôi động, mạnh mẽ hoặc các dòng nhạc như Opera, vân vân... Trong hội họa cũng như thế, có những người thích vẽ tranh tả thực hoặc tranh ấn tượng, mỗi một thể loại lại có những cách thể hiện khác nhau yêu cầu ở người xem tranh một mức độ hiểu biết nhất định, tức là mỗi loại nghệ thuật khác nhau đều có những khán giả riêng của nó. Trong thư pháp cũng có những loại như vậy, ta gọi những "dòng nhạc" riêng trong thư pháp này là Thư thể.

Nói đến thư thể, để giải thích một cách rõ nét hơn cần phải xem xét và đánh giá từ một phần của lịch sử Trung Hoa, vì đây là đất nước có lịch sử lâu đời trong việc sử dụng bút lông và mực tàu để thực hiện các tác phẩm nên có thể nói rằng, lịch sử chữ viết Trung Hoa cũng nói nên một phần thư thể trong đó. Thời Tần Thủy Hoàng, sau khi thống nhất Trung Hoa, triều đình đã ban hành một loại chữ viết với dạng hình khối, các nét được viết liền với nhau và rất phức tạp. Sau này do sự phức tạp nên các chữ cái được giản lược tạo thành thể chữ Lệ. Giai đoạn tiếp sau đó chữ cái Trung Hoa phát triển tiếp và chia thành hai thể chính, phồn thể và giản thể.
Khi xét về các nét chữ trong thư pháp chữ Việt ta cũng chia làm hai giai đoạn:

Thứ nhất là giai đoạn chữ mô phỏng.

Khi chữ Việt chuyển từ Hán Nôm sang chữ Quốc ngữ sử dụng các ký tự La tinh thì đồng nghĩa là nền nho học lụi tàn kéo theo nền thư pháp Hán nôm cũng đi vào quên lãng, nền tảng là do các đền chùa đã nghĩ ra cách viết chữ việt mô phỏng theo chữ Trung hoa, bằng cách viết chữ việt trong từng ô vuông hoặc hình tròn, tuân thủ theo quy tắc của nét chữ Trung Hoa, đặc điểm của lối viết này là nằm trong từng ô vuông và chia đều nên được gọi chung là điền thể.
điền thể

Một dạng chữ mô phỏng thứ hai là kiểu viết đối nhau nhưng được viết dài từ trên xuống không theo nguyên tắc từ trái sang phải như cách viết thông thường của chữ quốc ngữ, do đó lối viết này được viết từ trên xuống nên được gọi là thủy thể
thủy thể

Giai đoạn hai là giai đoạn hình thành và phát triển

Theo tổng hợp và nhận định thì thư pháp việt chia ra ba thể loại chính như sự phát triển tất yếu của các thể loại nghệ thuật khác.
1. Mộc thể
Đây là thể chữ dễ học nhất trong các thể chữ khi chúng ta viết thư pháp. Quý bằng hữu muốn luyện tập và làm quen với bộ môn thư pháp Việt, nên cân nhắc tập luyện thể chữ này trước các thể chữ khác để có được một số vốn kinh nghiệm nhất định ban đầu, sau đó mới dần dần tập sang các thể chữ khác. Đó là kinh nghiệm của riêng Thanh Phong. Đây là thể chữ đơn giản, các nét rõ ràng, dễ đọc, dễ cảm, chữ được viết đầy đủ, đơn giản và chân phương.
Mộc thể

2. Phong thể
Chữ biến tấu, nhanh hơn, các nét nối với nhau nên rất phù hợp với các nét chữ viết Latinh nên đây cũng được xem là thể chữ phổ biến.

Nói về phong thể, đây là một trong những thể chữ được mình đầu tư mạnh và giành thời gian rất nhiều để phát triển, vì tính chất phòng khoáng, thanh thoát của nó, nên thư pháp Thanh Phong vô cùng yêu thích thể chữ này.
Phong thể
3. Biến thể
Là chữ được viết một cách biến tấu, viết nhanh và lược bớt nét, đôi khi một chữ chỉ được viết bằng một nét, điểm thu hút nhất của thể này là cái thần và lực, do viết nhanh và bớt nét nên chữ có thể khó đọc và khó cảm.

Biến thể hiện nay được nhiều nhà thư pháp đem vào áp dụng trong thực tiễn tạo ra những bức thư pháp đậm chất nghệ thuật, có giá trị cao về tính thẩm mỹ và sự sáng tạo. Tuy nhiên thể chữ này rất kén người viết vì để sáng tạo ra một biến thể thư pháp, đòi hỏi người viết phải dày công rèn luyện và đào sâu nghiên cứu, thất bại nhiều lần mới đưa ra được thành phẩm như ý.
Biến thể
Ngoài năm thể điền, thủy, mộc, phong, biến thì còn một vài loại thể phụ như chữ âm dương nghĩa là thể loại viết chữ ngược hoặc họa thể, tức là một chữ được viết sao cho các nét tạo ra một hình dạng nhất định.
họa thể
Ngoài ra còn có cả một loại nữa là thư họa, tức là phương pháp viết chữ kèm với tranh.
thư họa

Nếu như bạn đang bắt đầu học tập bộ môn nghệ thuật này, chắc hẳn bạn nên hiểu và nắm được phần nào những kiến thức cơ bản về các thể chữ trong thư pháp Việt, thông qua bài viết này, mình hy vọng rằng những thông tin mình đưa ra sẽ phần nào đó giúp ích cho các bạn trên con đường nghệ thuật vô cùng thú vị này.

Thư pháp Thanh Phong, tháng 3 năm 2017

Post a Comment